Sapa không chỉ nổi tiếng với những thắng cảnh tuyệt đẹp của những cung đường đèo núi Tây Bắc và bên cạnh đó sự độc đáo trong từng món ăn của Sapa cũng tạo nên một nét đặc biệt riêng giúp du khách đến với điểm du lịch nổi tiếng này hơn.
Ẩm thực Sapa mang đậm chất mộc mạc giống với người đồng bào nơi đây nhưng hương vị của các món ăn ấy thì bạn sẽ không quên khi một lần được nếm thử các đặc sản tại vùng đất này.
Nếu bạn lần đầu đặt chân đến với Sapa, thì hãy để mình gợi ý cho bạn về những món ăn đặc sản nhé !
Lợn (heo) cặp nách đặc sản Sapa
Nghe cái tên gọi thật kỳ quặc, nhưng bạn thấy đấy mỗi khi xuống chợ thì người đồng bào ở đây thường đem theo một con lợn nhỏ bên mình (thường là cặp con lợn ấy vào nách nên gọi là lợn cặp nách) để bán và người mua cũng chả có gì đựng nên cũng phải cặp nách con heo ấy mang về, thế là cái tên Lợn cặp nách từ đó mà ra.
Loài lợn này thường được thả rông và tự kiếm ăn trên những sườn dốc núi nên vì thế thịt của chúng rất săn chắc. Một con thường khoảng 5 – 6kg, món ngon nhất là nướng hoặc quay nguyên con sau khi đã tẩm ướp gia vị.
Lớp da sau khi chín có màu vàng và giòn tan, lớp thịt phía trong mềm, ngọt nhưng không bỡ như lợn nuôi. Bên cạnh một chú lợn bay mùi thơm nồng nặc khó cưỡng thì không thể thiếu rượu táo mèo.
Cơm lam đặc sản Sapa
Chỉ là nếp được nướng bằng ống tre ăn kèm với muối mè thôi nhưng cái hương vị bùi thơm của nếp hòa cùng vị mặm muối nhưng thoảng vào đó mùi thơm của mè làm bạn khó mà quên được. Cơm lam là một trong những món đặc sản ngon – bổ – rẻ mà các bạn nên thử khi đến với Sapa.
Thay vì ăn với muối mè thì bạn có thể dùng cơm với thịt xiên nướng hay gà nướng nguyên con cũng thật là tuyệt đấy!
Thắng cố đặc sản Sapa
Thắng cố là món ăn truyền thống vào các dịp lễ tết của người dân tộc Mông ở Sapa. Nổi tiếng là món ăn “quái đãng” của Sapa, Thắng Cố có mùi hôi nhưng lại được nhiều người thích thậm chí là “nghiền” vì cái hương vị ấy.
Nguyên liệu chính cho món ăn này là từ thịt, xương, tiết và nội tạng của ngựa được kết hợp với gần 20 loại rau, củ, thảo dược thêm vào đó là một số gia vị đặc biệt của người dân ở đây.
Thắng cố được ăn kèm với bánh ngô nướng và đặc biệt là rượu ngô Bắc Hà hoặc rượu San Lùng, thứ rượu nồng ấm, có vị the the và được dung trong không khí se lạnh của Sapa.
Cá chình suối đặc sản Sapa
Đến với Sapa, không chỉ có đồi núi trùng điệp mà còn những con suối chảy róc rách, chúng ta thường bắt gặp những con cá lẫn vào những rêu hay khe đá của những con suối ấy.
Cá suối ở Sapa thường được nướng lên thêm một ít gia vị, đơn sơ chân chất chứ không có cầu kỳ như những món cá nướng khác nhưng cái vị ngọt của dòng suối như được hòa quyện vào cá, lớp vảy mỏng sởn lên vì mỡ nóng giòn tan, bên trong là lớp thịt thơm và ngọt. Bấy nhiu đấy thôi bạn cũng khó cưỡng lại những chú cá nướng ấy rồi !
Thịt gác bếp đặc sản Tây bắc
Thịt Trâu gác bếp là món đặc sản của người dân tộc Thái đen. Thịt trâu ngon nhất thường được sử dụng làm món này là thịt thăn hoặc ở thịt bắp vai, lưng của con trâu.
Sau khi thái ra từng miếng thì đem tẩm ướp với gia vị bao gồm: lá mắc khén giã nhỏ, hạt chuối giã nhuyễn và bột ớt, muối hột… rồi sau đó đêm treo trên gác bếp đợi một thời gian khoảng 8 tháng đến 1 năm là có thể dùng được.
Thịt trâu gác bếp Sapa nhìn bên ngoài sẽ có màu nâu của khói từ bếp. Miếng thịt có vị ngọt hòa cùng vị cay nồng của tiêu và đặc biệt là có mùi khói của núi rừng Tây Bắc. Tại Sapa, các quán trâu gác bếp tại khu Cổng trời được cho là “chất” nhất.